Đăng nhập
Khuyến Mãi
Fanpage shop
Hệ thống camera giám sát giao thông: Đáp ứng nhiều mục tiêu
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP, ngày 19-2-2019, về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; lập đề án đầu tư lắp đặt camera để đáp ứng nhiều mục tiêu, gồm giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn cả nước...
Hiệu quả đã rõ
Trong các giai đoạn vừa qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước đã từng bước phát huy hiệu quả.
Tại Thủ đô, riêng Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đang quản lý, sử dụng gần 600 camera các loại, trong đó có hơn 300 camera để theo dõi lưu lượng phương tiện, hơn 100 camera phục vụ xử phạt vi phạm giao thông và gần 100 thiết bị giám sát giao thông. Ngoài ra, tại nhiều nút giao thông còn có camera của công an các quận; camera của VOV giao thông; camera theo dõi điểm ngập úng của ngành thoát nước... Nhờ hệ thống này, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm các lỗi như lấn làn, vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng vị trí... đã giảm đáng kể. Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu tích hợp không chỉ camera giám sát của các cơ quan nhà nước, mà còn của người dân, doanh nghiệp (sân bay, nhà ga, bến xe, các cơ quan hành chính, ngõ phố...) để hỗ trợ công tác điều hành giao thông chung.
Là người từng bị "phạt nguội" thông qua hình ảnh vi phạm lưu trên hệ thống camera giao thông, anh Nguyễn Văn Toàn (ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, trong quá trình tham gia giao thông có lúc sơ ý, nhưng cũng có lần do vội mà cố tình phạm lỗi vượt đèn đỏ. Bị "phạt nguội" không chỉ mất tiền, mà còn mất thời gian trực tiếp ra Kho bạc Nhà nước nộp, nên từ sau đó anh đã tuân thủ luật nghiêm túc hơn.
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, hiện hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn phát huy hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, thành phố mới chỉ có hơn 760 camera ở trung tâm điều hành giao thông thông minh, chủ yếu điều khiển từ xa tại các chốt đèn tín hiệu. Sắp tới, thành phố sẽ đầu tư theo thứ tự ưu tiên, triển khai lắp camera ở các cửa ngõ, các tuyến đường để kiểm soát xe ra vào đường cấm, giờ cấm và một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông cao.
Như vậy, việc lắp camera giám sát giao thông tác động trực tiếp vào ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện, dù trên đường có lực lượng chức năng hay không. Ngoài việc xử lý vi phạm giao thông, hệ thống camera giám sát còn phục vụ có hiệu quả cho công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Quy hoạch chi tiết
Khẳng định việc áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông là cần thiết, song thực trạng hiện nay là mỗi dự án camera giám sát, xử phạt vi phạm giao thông lại do từng đơn vị riêng rẽ triển khai, chỉ mang tính đơn lẻ và không có tiêu chuẩn chung, nên không kết nối được với nhau, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, việc đầu tư theo hình thức xã hội hóa chưa thực hiện được do chưa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, thực tế cho thấy, có nơi cần camera an ninh, có nơi cần camera giám sát để "phạt nguội", có nơi chỉ cần camera để giám sát, có nơi cần tất cả các tính năng này. Bởi vậy, cần có phương án quy hoạch chi tiết cho từng địa bàn khu vực, từ đó đầu tư theo yêu cầu; đồng thời, cần có trung tâm xử lý thông tin, phần mềm phân tích tổng hợp và chia sẻ dùng chung dữ liệu cho các cơ quan có liên quan thì hiệu quả sẽ rất cao. Cơ quan chức năng có thể nghiên cứu lắp đặt camera di động và thay đổi địa điểm lắp đặt. Trước khi đầu tư, nên có phân tích đánh giá chi tiết nhu cầu, qua đó có thể đầu tư camera tại từng vị trí với những tính năng phù hợp. Sau khi có hệ thống camera, cần có quy định cụ thể về việc bảo mật, phân tích, xử lý, chia sẻ giữa các lực lượng chức năng.
Đồng tình với quan điểm phải có quy định cụ thể về bảo mật, ông Nguyễn Toàn Thắng (Công ty Giải pháp công nghệ FPT) nhấn mạnh, muốn áp dụng công nghệ giảm được tiêu cực, các phần mềm giám sát xử lý vi phạm cần được kiểm định về tính bảo mật thông tin, tránh sự can thiệp của con người vào quá trình tự động hóa, lập biên bản.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khi đã có một hệ thống đồng bộ, việc chia sẻ dữ liệu cũng giúp các ngành chức năng giải quyết được rất nhiều việc như trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, đăng ký xe... Ngoài chức năng giám sát, hỗ trợ xử lý vi phạm, hệ thống camera còn giúp giảm mật độ lực lượng chức năng trực tiếp tham gia tuần tra, xử lý trên đường. Điều đó góp phần hạn chế các tiêu cực và tăng tính minh bạch trong quá trình thực thi công vụ. Việc cần làm hiện nay là các địa phương chủ động khảo sát thực tế xem đâu là những địa điểm phức tạp cần ưu tiên, đâu là những "điểm đen" về tai nạn giao thông, từ đó có kế hoạch và lộ trình cụ thể... để việc lắp đặt camera mang lại hiệu quả cao.
Theo BTT